Thiếu máu ở trẻ sơ sinh là căn bệnh thường gặp và có nhiều ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bình thường của trẻ. Để phòng tránh căn bệnh này, mẹ cần chú ý tới những điều được đề cập trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Thiếu máu là hiện tượng xảy ra khi lượng hemoglobin (huyết sắc tố có chức năng chuyển oxi đến các mô và chuyển đi khí CO2 và chất thải) có trong tế bào hồng cầu của cơ thể thấp hơn bình thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
Trẻ thiếu dự trữ sắt: Trẻ đã bắt đầu hấp thu những dưỡng chất cần thiết ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Vì vậy, nếu trong thời kỳ mang thai, bà bầu không được bổ sung sắt đầy đủ sẽ khiến trẻ sinh ra đã bị thiếu dữ trữ sắt, gây nên hiện tượng thiếu máu sau này.
Thiếu máu do ăn không đủ: Nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho trẻ là từ thức ăn. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, nguồn thức ăn chính của bé vẫn chỉ là sữa mẹ nên nếu bé lười bú thì sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu về sắt của cơ thể bé. Hơn nữa, nếu đang ở trong thời kỳ ăn dặm mà bé lại không được ăn nhiều thực phẩm giàu sắt thì nguy cơ bị thiếu máu ở trẻ sẽ rất cao.
Trẻ có vấn đề về sức khỏe: Những căn bệnh về tiêu hóa như kiết lị, táo bón, tiêu chảy và các bệnh đường ruột khác nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt của trẻ. Đồng thời, trẻ sinh non hay mắc một số bệnh di truyền cũng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cao hơn những trẻ đồng trang lứa khác.
Những dấu hiệu của bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị thiếu máu, bé sẽ trở nên mệt mỏi, hay quấy khóc, dễ cáu kỉnh và nước da cũng trở nên nhợt nhạt, xanh xao. Bên cạnh đó, trẻ còn biếng ăn, mắt, môi và dưới ngón tay có đóng màng, tóc thưa dễ gãy rụng, móng tay, móng chân biến dạng và và gan lách to.
Ngoài ra, thiếu máu nặng còn làm bé khó thở, dễ mắc các bệnh về tim, chậm phát triển thể chất, trí tuệ cũng như khả năng vận động.
Cách phòng tránh thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Để giúp con mình phòng tránh bệnh thiếu máu, ngay từ khi mang thai, bà bầu cần cung cấp cho cơ thể đủ lượng sắt cần thiết bằng một chế độ dinh dưỡng giàu sắt và các viên uống bổ sung sắt tổng hợp. Đồng thời, các mẹ cũng cần chú ý đến việc tăng cường những thực phẩm chứa nhiều vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày bởi vitamin C là chất giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Trong 6 tháng đầu sau sinh, bạn nên cho bé được bú sữa mẹ hoàn toàn. Đến thời điểm ăn dặm, ngoài sữa mẹ, bạn nên cho bé ăn những thực phẩm giàu sắt như ngũ cốc, thịt nạc, thịt gia cầm, rau bina, đậu, lòng đỏ trứng,… và những thực phẩm chứa nhiều vitamin C như các loại rau xanh và trái cây để cơ thể bé hấp thu sắt được tối đa.
Mặt khác, nếu bé có những dấu hiệu của thiếu máu, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho bé mà phải đưa bé tới gặp bác sĩ để được thăm khám và có cách điều trị phù hợp.
Huyền Thanh
More Stories
Top 10 loại máy hút sữa tốt nhất dành cho các mẹ bỉm và bé
6 kỹ năng mẹ cần phải học khi con chào đời
Bật mí những bí quyết giúp mẹ lấy lại vóc dáng sau sinh